So sánh chi tiết xe Mitsubishi Outlander Sport và Mazda CX-5

Mazda CX-5 có hệ thống treo khá tốt nên vận hành hầu như rất êm ái ở các loại địa hình, với lợi thế gầm cao và bánh lớn của CX-5 bạn

Kể từ khi ra mắt từ người tiêu dùng vào năm 2013, Mazda CX-5 được xem là “kỳ phùng địch thủ” với ông vua phân khúc CUV – Honda CR-V. Hai mẫu xe này luôn nằm trong “Top những xe bán chạy nhất tại thị trường Việt Nam” bởi thương hiệu Nhật, thiết kế đẹp mắt, gầm cao, tiết kiệm nhiên liệu và độ ổn định lâu dài đã đáp ứng xu hướng khách hàng đang ngày càng ưa chuộng những mẫu xe gầm cao.

Và thị trường sẽ càng sôi động hơn khi một đối thủ Nhật Bản khác đã giới thiệu một mẫu xe CUV mới của họ – Mitsubishi Outlander Sport, để gia nhập sân chơi cùng các đồng hương. Liệu sản phẩm mới của Mitsubishi có giúp họ chiếm được tình cảm của người tiêu dùng hay không? Bài viết sẽ so sánh 2 mẫu xe: Mitsubishi Outlander Sport và Mazda CX-5 để khách hàng có cái nhìn thực tế trước khi lựa chọn.

Mazda CX-5 2.0 2WD Mitsubishi Outlander Sport 2.0 GLS
Giá bán 1.080.000.000 968.000.000
Động cơ 2.0L (155 mã lực,203 Nm) 2.0L (148 mã lực,197 Nm)
Hộp số/Dẫn động 6AT- Dẫn động cầu trước CVT- Dẫn động cầu trước

Mazda CX-5 2WD:

Ưu điểm: kiểu dáng thể thao, mạnh mẽ. Xe gầm cao thích hợp nhiều dạng địa hình. Trang bị nhiều tiện nghi cùng với độ an toàn cao phù hợp cho dòng xe gia đình. Rất tiết kiệm nhiên liệu với động cơ Skyactiv.
Nhược điểm: Động cơ 2.0 hơi nhỏ nên khi tăng tốc có độ trễ, hàng ghế sau hơi dựng đứng khiến người ngồi không thoải mái khi đi xa.
Mitsubishi Outlander Sport GLS:

Ưu điểm: thiết kế hiện đại, độc đáo. Xe có nhiều tiện nghi và được chứng nhận “Top Safety Pick +” từ IIHS – Viện Bảo Hiểm An Toàn Đường Cao Tốc Mỹ. Với lẫy chuyển số trên vô-lăng tạo thêm cảm giác phấn khích khi cầm lái. Giá cả cạnh tranh
Nhược điểm: Kích thước nhỏ nhất so với các đối thủ cùng phân khúc, khoang chứa đồ hẹp, thiết kế nội thất hơi đơn giản.

2 phiên bản: Mazda CX-5 2.0 2WD và Mitsubishi Outlander Sport 2.0 GLS
NGOẠI THẤT

Mazda CX-5 với ngôn ngữ thiết kế KODO – Soul Of Motion – Linh hồn của sự chuyển động không những giúp xe tăng tính khí động học mà còn cho ta thấy hình ảnh 1 con mãnh thú đang lao về phía trước thật dũng mãnh. Phần đầu xe mang đậm phong cách Châu Âu qua kiểu lưới tản nhiệt góc cạnh dạng 5 điểm rất khỏe khoắn kết hợp cùng với cụm đèn pha “cụp” về phía sau làm cho phần mũi xe thêm cá tính. Thân xe với các đường gân mạnh mẽ chạy dọc trên bề mặt bo tròn của xe đem đến cảm giác thật mượt mà. Đuôi xe với cụm đèn hậu được bố trí cao đi cùng cặp ống xả đôi tạo cho xe tổng thể thật hài hòa thể hiện rõ sự trẻ trung, mạnh mẽ và đậm chất thể thao.

Ngôn ngữ KODO kết hợp với phong cách zoom-zoom đặc trưng của Mazda
Mitsubishi Outlander Sport mang phong cách thể thao, năng động và cá tính với lưới tản nhiệt dạng máy bay tiêm kích “Jet Fighter Grille” độc đáo đi cùng cụm đèn pha HID Projector, đèn sương mù và đèn LED ban ngày khiến phần đầu xe trông rất “ngầu” kết hợp các đường gân nổi vuốt dọc thân xe giúp tăng thêm tính khí động học. Đuôi xe được trang bị cánh lướt gió thể thao, đèn hậu dạng LED và chụp ống xả được mạ crom sang trọng làm xe nhìn khá hiện đại và trẻ trung.

Phong cách máy bay tiêm kích khiến xe trông rất “ngầu” và cơ bắp
Mazda CX-5 2.0 2WD Mitsubishi Outlander Sport 2.0 GLS
Kích thước DxRxC (mm) 4.540 x 1.840 x 1.710 4.295 x 1.770 x 1.625
Chiều dài cơ sở (m) 2.7 2.67
Khoảng sáng gầm xe (mm) 210 195
Bán kính quay đầu (m) 5,6 5,3
Trọng lượng không tải (kg) 1.511 1.350
Thể tích bình nhiên liệu (lít) 56 58
Lốp xe 225/55R19 215/60R17
Cả 2 xe đều mang phong cách riêng rất độc đáo nhưng hầu như nhắm vào các khách hàng trẻ bởi thiết kế mạnh mẽ, thể thao và không kém phần sang trọng, hiện đại. Kích thước của Outlander Sport được xem là nhỏ nhất trong phân khúc CUV so với các đối thủ, tuy nhiên chiều dài cơ sở lại khá tương đương. Và với khoảng sáng gầm xe khá thấp cùng bán kính quay đầu ngắn có thể nói Outlander Sport phù hợp với việc di chuyển trong nội thành hơn khả năng linh hoạt với mọi địa hình của CX-5 , đuôi xe của CX-5 với cụm ống xả đôi giúp xe hài hòa và trông thể thao hơn so với Outlander Sport.

Mazda CX-5 dùng lazang hợp kim 19 inch (trái). Còn Mitsubishi Outlander Sport dùng lazang hợp kim 17 inch (phải)

Cả hai đều được trang bị kiếng chiếu hậu tích hợp đèn báo rẽ và có chức năng sấy
NỘI THẤT

Mazda CX-5 so với dáng vẻ hiện đại bên ngoài thì nội thất của CX-5 có phần đơn giản và đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng đối với người tiêu dùng Việt Nam. Khu vực bảng tablo và bảng điểu khiển được bố trí hợp lí giúp người sử dụng dễ dàng hơn. Tất cả ghế đều được bọc da cao cấp có chức năng sưởi và thông gió, riêng ghế lái có thể chỉnh điện 8 hướng, cả hai hàng ghế đều có khoảng để chân thoải mái, hàng ghế sau được thiết kế ngả ra độc lập kết hợp với lẫy hạ ghế được bố trí hai bên thành cốp sau rất tiện lợi. Về phần cách âm chỉ ở mức trung bình vì mang xu hướng thể thao nên có thể nghe tiếng máy vọng vào khoang lái.

Nội thất tuy đơn giản nhưng vẫn toát lên vẻ sang trọng

Ghế ngồi thoải mái và hàng ghế sau dễ dàng gập lại rất tiện lợi, rộng rãi

Cụm đồng hồ thiết kế dạng ống thể thao như các mẫu moto
Mitsubishi Outlander Sport nội thất được thiết kế kết hợp giữa các tính năng tiện ích với các vật liệu chất lượng cao nhưng không quá phức tạp. Giống với CX-5, bảng tablo được cho là đơn giản dễ nhìn hầu như là truyền thống của các hãng xe Nhật, tất cả các ghế đều được bọc da cao cấp với chức năng sưởi và ghế lái có thể điều chỉnh 8 hướng, hơn nữa ghế còn có góc nghiêng ghế phù hợp mang lại cảm giác dễ chịu trong những hành trình di chuyển dài. Dù chiều dài xe ngắn nhưng hàng ghế sau vẫn đủ rộng và thoải mái cho 3 người lớn và có thể gập lại với tỉ lệ 60/40 giúp tăng thể tích khoang hành lý từ 416 lít lên 1193 lít để có thể chở những vật dụng có chiều dài lên đến 1510mm.

Thiết kế đơn giản là nét đặc trưng của Mitsubishi

Dù kích thước nhỏ nhất phân khúc nhưng khoang lái vẫn rộng và thoải mái
Về phần cách âm Outlander Sport có phần nhỉnh hơn CX-5 bởi khi lên vòng tua cao tiếng máy của CX-5 vọng vào khoang lái, ngoài ra với việc sử dụng bánh mâm lớn – vỏ mỏng khi đi qua đoạn đường đá dăm tiếng ồn sẽ rất to. Khoảng để chân hàng ghế sau của CX-5 thoải mái hơn Outlander Sport do kích thước lớn hơn nhưng băng ghế sau lại dựng đứng khiến người ngồi sẽ mệt mỏi khi đi xa.

TIỆN NGHI

Mazda CX-5 được trang bị nhiều thiết bị phong phú. Khởi động bằng nút bấm. Màn hình cảm ứng 5.8 inch đặt giữa bảng tablo đi kèm đầu đọc CD/MP3/Radio cùng cổng cắm AUX/USB cùng hệ thống âm thanh 9 loa. Hệ thống điều hòa 2 dàn tự động với chức năng đo nhiệt độ bên ngoài. Vô-lăng 3 chấu bọc da tích hợp các phím điều khiển chức năng Mutilmedia, hệ thống Voice Control, kết nối Bluetooth và điều khiển hành trình Cruise Control. Các hộc để đồ, khay để ly và đèn trần được bố trí và xấp xếp rất hợp lý cho hành khách. Ngoài ra, cửa sổ trời sẽ làm cho khoang lái thêm thoáng đãng cho những chuyến du lịch.

Mazda CX-5 ghi điểm với khách hàng bởi trang thiết bị đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng
Mitsubishi Outlander Sport gồm có khởi động bằng 1 nút bấm, hệ thống điều hòa tự động, hệ thống giải trí với màn hình DVD 7 inch kết nối USB/Bluetooth/HDMI cùng hệ thống âm thanh 4 loa và màn hình hiển thị đa thông tin (MID) giúp người lái dễ dàng quan sát các thông tin như đo hành trình, vị trí số, lượng xăng còn lại, nhiệt độ nước làm mát…nhiệt độ bên ngoài và nhắc nhở bảo dưỡng. Các khay để ly và hộc chứa đồ đều được bố trí đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng của hành khách. Cửa sổ trời toàn cảnh giúp việc di chuyển trên Outlander Sport trở nên sinh động, hài hòa với thiên nhiên và xua tan mệt mỏi trên những chuyến hành trình. Và lẫy chuyển số sẽ đem lại cảm giác phấn khích khi cầm lái.

Tiện nghi không hề thua kém CX-5
Có thể thấy dù là xe nhập khẩu nhưng tiện nghi của Outlander Sport vẫn dưới CX-5 một bậc, hơn nữa việc để vô-lăng trọc được cho là thiếu “thẩm mỹ” và bất tiện khi sử dụng các tiện ích khác sẽ khiến Outlander Sport mất điểm trước khách hàng với nhu cầu sử dụng hiện nay.

ĐỘNG CƠ & CẢM GIÁC LÁI

Mazda CX-5 động cơ xăng SKYACTIV-G 2.0L DOHC 16 van với 4 xylanh cùng hệ thống van biến thiên cho công suất 155 mã lực tại vòng tua 6.000 vòng/phút, momen xoắn cực đại 203 Nm tại 4.000 vòng/phút đi cùng hộp số tự động 6 cấp.

Mitsubishi Outlander Sport động cơ MIVEC 2.0 4B11 (16 van – DOHC) cho công suất 148 mã lực tại 6.000 vòng/phút, momen xoắn cực đại 197 Nm tại 4.200 vòng/phút đi cùng hộp số vô cấp, đồng thời tích hợp chế độ Sport Mode.

Mazda CX-5 có hệ thống treo khá tốt nên vận hành hầu như rất êm ái ở các loại địa hình, với lợi thế gầm cao và bánh lớn của CX-5 bạn sẽ không phải lo lắng dù đi phố hay ngoại thành. Xe chạy rất êm, lướt nhẹ nhàng tuy nhiên vẫn có độ trễ chân ga và do máy chỉ 2.0 mà xác xe lại nặng nên cảm giác lái sẽ không được bốc mà chỉ thích hợp với phong cách lái xe điềm đạm. Xe đầm và vào cua ổn định dù đang ở tốc độ cao nhờ hệ thống cân bằng điện tử DSC, cùng với hệ thống ga tự động Cruise Control giúp xe rất tiết kiệm nhiên liệu ở mọi cung đường. Mức tiêu hao nhiên liệu khoảng 9-9,5L/100km nội thành và khoảng 7,5-8L/100km đường trường.

Mitsubishi Outlander Sport với chế độ Sport Mode kết hợp cũng lẫy chuyển số sẽ cho bạn trải nghiệm như đang lái xe số sàn và nhờ trọng lượng xe nhẹ nên cảm giác bốc cùng độ bức phá của Outlander tốt hơn CX-5. Tuy nhiên, do không được trang bị cân bằng điện tử nên độ ổn định khi gặp các khúc cua gấp sẽ kém hơn so với CX-5. Một chức năng khá hay là chế độ chống tăng ga đột ngột sẽ giúp bạn tránh được những tình huống bất ngờ có thể dẫn đến nguy hiểm. Mức tiêu hao nhiên liệu của cả 2 gần như ngang nhau, Outlander Sport tiêu hao khoảng 8L/100km đường hỗn hợp.

THIẾT BỊ AN TOÀN

Mazda CX-5 gồm hệ thống chống bó cứng phanh ABS, phân bổ lực phanh điện tử EBD, cân bằng điện tử DSC, 6 túi khí phía trước và bên hông xe, dây đai an toàn 3 điểm kèm theo hệ thống cảnh báo. Ngoài ra, Mazda CX-5 2013 còn được trang bị hệ thống khung gầm bằng vật liệu thép chịu lực cường độ cao nhưng tối giản trọng lượng của xe cùng hệ thống đèn pha bi-xenon tự điều chỉnh cao thấp và điều chỉnh góc sáng khi vào cua, đèn sương mù trước và sau…Xe đã nhận được giải “Xe an toàn hàng đầu” do Viện Bảo hiểm An toàn giao thông Mỹ (IIHS) bình chọn.

Mitsubishi Outlander Sport đạt tiêu chuẩn an toàn 5 sao (cao nhất) theo đánh giá của tổ chức EURO NCAP và ANCAP, bên cạnh đó là chứng nhận “Top Safety Pick +” từ IIHS – Viện Bảo Hiểm An Toàn Đường Cao Tốc Mỹ gồm hệ thống chống bó cứng phanh ABS, phân bổ lực phanh EBD, hỗ trợ phanh gấp BA, túi khi đôi hàng ghế trước, hệ thống chống tăng tốc đột ngột, vô-lăng trợ lực điện…

KẾT LUẬN

Mazda CX-5 từ lúc được ra mắt đến nay đã khẳng định vị trí trong lòng người tiêu dùng với thiết kế trẻ trung, thể thao đi cùng những tiện nghi và động cơ “nổi tiếng tiết kiệm nhiên liệu” SkyActiv đủ để xứng ngang tầm với đối thủ Honda CR-V, không những thế với độ an toàn được xem là cao nhất so với các đối thủ khác CX-5 gần như là hoàn hảo cho những ai lựa chọn một mẫu xe dành cho gia đình.
Tuy nhiên, người đồng hương Mitsubishi Outlander Sport với ưu điểm không hề thua kém như: tiết kiệm nhiên liệu, độ an toàn và tiện nghi cùng với mức giá cạnh tranh và lợi thế nhập khẩu sẽ là một đối thủ đáng gờm trong phân khúc CUV cho những ai yêu thích thương hiệu Mitsubishi.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *